image banner
Phát triển Bắc Hà trở thành điểm đến đặc sắc của tỉnh Lào Cai
Nằm ở vùng cao phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà được ví như “Cao nguyên trắng” với khí hậu mát mẻ quanh năm, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong những năm gần đây, Bắc Hà đang từng bước khẳng định vị thế là một trong những điểm đến đặc sắc của du lịch Lào Cai, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế.
anh tin bai

Cao nguyên trắng Bắc Hà

Ngày 6/12/2024, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 3262/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển huyện Bắc Hà trở thành điểm đến đặc sắc của tỉnh Lào Cai, khu vực Tây Bắc giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành khu du lịch quốc gia. Đề án đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030, du lịch Bắc Hà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là bước đột phá về kinh tế; Bắc Hà trở thành điểm đến đặc sắc của tỉnh Lào Cai và khu vực Tây Bắc; thị trấn Bắc Hà thực sự trở thành trung tâm du lịch của vùng núi cao Đông Bắc tỉnh Lào Cai. Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Hà trở thành điểm đến xanh và là khu du lịch quốc gia mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc

Bắc Hà nổi tiếng với những đồi mận trắng bạt ngàn vào mỗi độ xuân về, tạo nên cảnh sắc thơ mộng làm say lòng du khách. Bên cạnh đó, các điểm đến như dinh thự Hoàng A Tưởng, chợ phiên Bắc Hà, đền Bắc Hà, núi Ba Mẹ Con, thung lũng hoa Cốc Ly… đều là những điểm nhấn hấp dẫn.

Đặc biệt, chợ phiên Bắc Hà được xem là một trong những chợ vùng cao đặc sắc nhất Tây Bắc, không chỉ là nơi giao thương mà còn là không gian văn hóa độc đáo, nơi hội tụ của nhiều dân tộc như Mông, Dao, Tày, Nùng… với trang phục sặc sỡ, sản vật phong phú và phong tục tập quán truyền thống được giữ gìn nguyên vẹn.

Để phát huy tiềm năng sẵn có, huyện Bắc Hà đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng thương hiệu du lịch địa phương gắn với phát triển bền vững. Trong đó, việc tổ chức các lễ hội văn hóa - du lịch thường niên như Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà, Giải đua ngựa truyền thống, các tour trekking khám phá bản làng, trải nghiệm homestay… là những điểm nhấn quan trọng, góp phần quảng bá hình ảnh Bắc Hà đến với đông đảo du khách. 

anh tin bai

Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà năm 2024 với chủ đề Nghiêng say mùa Đông

 

Để Bắc Hà trở thành điểm đến đặc sắc của tỉnh Lào Cai, từ nay đến năm 2030, huyện Bắc Hà ưu tiên xây dựng 05 sản phẩm du lịch đặc sắc, gồm: Sản phẩm du lịch Cao nguyên trắng Bắc Hà; Sản phẩm du lịch Chợ phiên Bắc Hà; Sản phẩm du lịch Dinh Hoàng A Tưởng; Sản phẩm du lịch Đua ngựa truyền thống Bắc Hà; Du lịch thể thao tổng hợp - Bac H’adventure. Trong đó phát triển Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà trở thành sự kiện văn hóa du lịch vùng Tây Bắc; tổ chức lễ hội cung đường hoa trắng; trồng mận, lê, mơ,… và cải tạo chỉnh trang cảnh quan khu vực tuyến đường từ Bản Phố - Hoàng Thu Phố - Tả Van Chư - Lùng Phình. Phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm “săn mây” gắn với vùng cảnh quan đặc thù của cao nguyên trắng Bắc Hà. Phát triển du lịch nông nghiệp với các hoạt động trải nghiệm nông trại mận và vùng sản xuất dược liệu (tham quan mùa hoa cát cánh, thưởng thức các món ăn chế biến từ sản phẩm dược liệu và thảo dược; trải nghiệm chăm sóc, thu hái, chưng cất tinh dầu và các hoạt động dịch vụ khác). Xây dựng các sản phẩm OCOP gắn với du lịch.

Xây dựng “Chợ Bắc Hà” với thương hiệu “Chủ nhật trên cao nguyên” trở thành điểm trải nghiệm văn hóa nổi bật vùng Tây Bắc, gắn với các chủ đề phong phú, đặc sắc; tổ chức chương trình nghệ thuật dân gian đặc sắc; bảo tồn và trình diễn Chó Bắc Hà; tổ chức ngày hội văn hóa truyền thống các dân tộc, văn hoá ẩm thực (mâm cơm Bắc Hà, cốm, thắng cố,…),…; các buổi hội chợ trưng bày và giới thiệu các sản phẩm địa phương.

Phát triển sản phẩm du lịch nghệ thuật đặc sắc "Cao nguyên huyền thoại" gắn với "Huyền thoại Dinh Hoàng A Tưởng" thành chương trình giới thiệu du lịch Bắc Hà, chương trình đặc biệt chào đón đại biểu và du khách, thông qua hoạt động nghệ thuật nhằm biểu đạt lịch sử vùng đất, con người, công trình kiến trúc, nghề truyền thống, phong tục tập quán và văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức dịch vụ trải nghiệm đêm, tái hiện cuộc sống hàng ngày của gia tộc họ Hoàng.

Phát triển du lịch đua ngựa theo hướng đa dạng về loại hình trải nghiệm, dịch vụ, đua ngựa với các chủ đề: Đua ngựa đường trường; đua ngựa địa hình qua các khu rừng, đồi núi; đua ngựa hóa trang (ngựa và nài ngựa được hóa trang theo trang phục lịch sử hoặc các chủ đề đặc biệt); đua ngựa đêm với ánh sáng đặc biệt và các hoạt động giải trí đi kèm; đua ngựa từ thiện để gây quỹ cho các tổ chức từ thiện hoặc các dự án cộng đồng; …

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa 

Bên cạnh đó, Bắc Hà chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khuyến khích người dân tham gia làm du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới, OCOP và phát triển sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Địa phương quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể bằng việc duy trì tổ chức lễ hội, gìn giữ phong tục tập quán xã hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch, điển hình Tết tháng 7 của người La Chí, huyện Bắc Hà và các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (lễ hội đua ngựa Bắc Hà và các nghi lễ của người Dao, người Tày, …). Sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một của các dân tộc ít người, đặc biệt nhóm ngành Mông Trắng huyện Bắc Hà. Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của người Mông, người La Chí huyện Bắc Hà. Bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của người Dao, Mông trên địa bàn huyện Bắc Hà. Phục dựng, bảo tồn và phát huy múa gậy tiền dân tộc Mông, múa sừng trâu của người La Chí, nghệ thuật the (múa xòe) của người Tày. Đưa nghệ thuật múa khèn của người Mông, múa xòe của người Tày trong trình diễn nghệ thuật tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện Bắc Hà.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể đặc trưng của Bắc Hà với việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia, cấp tỉnh, trong đó ưu tiên phát huy và khai thác di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Hoàng A Tưởng trở thành sản phẩm du lịch nghệ thuật, trải nghiệm đặc sắc. Bảo tồn các thôn còn giữ được kiến trúc nguyên bản và nét văn hóa đặc trưng truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao, điển hình thôn Đội 3 (xã Bản Liền), thôn Tà Chải (xã Lùng Phình), thôn Lả Dì Thàng (xã Tả Van Chư), thôn Cốc Sâm (xã Cốc Ly), thôn Tống Thượng (xã Nậm Đét), thôn Trung Đô (xã Bảo Nhai), Bản Phố 2 (xã Bản Phố). Trong đó, đầu tư thôn Trung Đô (xã Bảo Nhai), thôn Đội 3 (xã Bản Liền) trở thành làng văn hóa du lịch tiêu biểu đặc sắc của người Tày; thôn Bản Phố 2 (xã Bản Phố) trở thành làng văn hóa du lịch tiêu biểu đặc sắc của người Mông.

Chú trọng phát triển các điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí gắn với quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đến năm 2030, công nhận bổ sung 05 điểm du lịch cấp tỉnh, gồm: Núi Cô Tiên (thị trấn Bắc Hà); Chợ Cốc Ly, xã Cốc Ly; Thác Sông Lẫm, xã Tả Củ Tỷ; Quần thể cây Nghiến 1000 năm tuổi xã Cốc Ly; Đồi chè cổ thụ, xã Hoàng Thu Phố. Phát triển 08 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí gắn với quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống, gồm: Trung tâm du khách (thị trấn Bắc Hà); Điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Rừng Thông (xã Thải Giàng Phố và xã Lùng Phình); Điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng sông Chảy - hang Tiên (xã Bảo Nhai); Điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Núi Rồng (xã Lùng Cải); Điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Bắc Hà Ecolodge (xã Lùng Phình); Điểm tham quan đỉnh Nữ Hoàng (xã Lùng Phình); Điểm tham quan đồi Cỏ May (xã Cốc Ly); Điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thác Nậm Cậy (xã Bản Liền). 

Đầu tư hạ tầng và liên kết vùng

Huyện cũng đang tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối giữa các điểm du lịch, đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, xây dựng hệ sinh thái du lịch thân thiện và chuyên nghiệp. Việc kết nối du lịch Bắc Hà với các điểm đến khác như Sa Pa, Y Tý, Si Ma Cai, Bát Xát… cũng góp phần tạo nên những tuyến du lịch phong phú và hấp dẫn.

Nâng cấp và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, trong đó phát triển thêm một số cơ sở đạt tiêu chuẩn du lịch ASEAN. Chú trọng nâng cấp, đầu tư xây dựng cơ sở khách sạn, tập trung tại khu vực trung tâm huyện và có ít nhất 01 khách sạn xanh ASEAN. Nâng cấp và xây mới các cơ sở homestay, ưu tiên nâng cao chất lượng dịch vụ các homestay hiện có tại thôn Đội 3 (xã Bản Liền) và thôn Bản Phố 2 (xã Bản Phố) góp phần xây dựng mô hình du lịch cộng đồng đáp ứng điều kiện điểm du lịch cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến quảng bá tại các thị trường quan trọng được quan tâm, chú trọng liên kết chặt chẽ với các địa phương và các doanh nghiệp du lịch tại Thành phố Lào Cai, Sa Pa và Hà Nội. Tổ chức các đoàn Famtrip cho các công ty lữ hành và các đoàn Press trip để giới thiệu tài nguyên, kết nối các chương trình du lịch. Mở rộng xúc tiến thị trường quốc tế.

Với định hướng rõ ràng, sự vào cuộc tích cực của chính quyền và sự đồng thuận của người dân, Bắc Hà đang vươn mình mạnh mẽ để trở thành một trong những điểm đến đặc sắc, mang đậm bản sắc vùng cao Tây Bắc. Đây không chỉ là nơi du khách tìm về với thiên nhiên và văn hóa, mà còn là biểu tượng cho sự giao thoa hài hòa giữa bảo tồn truyền thống và phát triển hiện đại.

Nguyễn Anh

 
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập