Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TIẾT KIỆM VÀ
THỰC HÀNH TIẾT KIỆM
Tiết kiệm là phẩm chất đạo đức cơ bản của con người. Từ bao đời nay người ta đã nói về tiết kiệm, nhưng ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng về tiết kiệm có nội dung sâu sắc, mới mẻ, nhân văn. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm là một phần quan trọng trong tư tưởng đạo đức của Người. Đặc biệt, Hồ Chí Minh không chỉ nói hay về tiết kiệm, mà còn là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm. Những câu chuyện về sự tiết kiệm và thực hành tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyện ăn, ở, mặc, đi lại, làm việc đã trở thành huyền thoại của đạo đức cách mạng.
Người sống một đời sống vật chất giản dị, đạm bạc và chỉ sử dụng cho mình những vật dụng tối cần thiết. Tư tưởng và sự thực hành tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện năng lực tư duy khoa học, sáng tạo và lối sống thanh cao của một danh nhân văn hóa kiệt xuất. Hồ Chí Minh nói nhiều đến tiết kiệm như một phẩm chất đạo đức của con người nói chung và của người cách mạng nói riêng. Chữ “kiệm” của Hồ Chí Minh vừa cụ thể, vừa khái quát, vừa truyền thống, vừa hiện đại; bởi lẽ, Người đứng trên mảnh đất thực tiễn của cách mạng Việt Nam để luận giải về một phẩm chất đạo đức chung của nhân loại và bổ sung những nội hàm mới vào một khái niệm cũ.
Trong các bài nói chuyện, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập nhiều đến tiết kiệm và thực hành tiết kiệm. Tiết kiệm là sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực để gia tăng sức mạnh toàn diện của đất nước. Người đã luận giải kỹ các nội dung về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm, đồng thời cũng chỉ ra rằng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một nhiệm vụ quan trọng và luôn luôn phải thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Người tiết kiệm phải biết cân đối, tính toán các nguồn lực để chi phí bỏ ra nhỏ nhất mà lại đạt được mục tiêu cao nhất theo phương châm “1 giờ làm xong việc của 2, 3 giờ; 1 người làm bằng 2, 3 người; 1 đồng dùng bằng 2, 3 đồng”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, mà những việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Tiết kiệm là tích cực. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực. Tiết kiệm là để phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc; để tăng thêm tiền vốn xây dựng đất nước. Điều này càng quan trọng khi nước ta là nước dân chủ nhân dân, không thể tích lũy vốn theo kiểu thực dân, đế quốc bằng cách cướp bóc thuộc địa, bóc lột công nhân, nông dân, vay nợ nước ngoài và hơn thế nữa, tiết kiệm để nhanh chóng đưa nước ta ra khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ 3 nội dung của việc tiết kiệm bao gồm: (1) Tiết kiệm sức lao động. Tức là phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất lao động, một người làm bằng hai, ba người; (2) Tiết kiệm thời giờ, Người nói: “Thời giờ tức là tiền bạc; “Một tấc bóng là một thước vàng. Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ, ai đưa thời giờ vứt đi, là người ngu dại. Tiết kiệm thời giờ của mình và tiết kiệm thời giờ của người khác; (3) Tiết kiệm tiền của. Phải tiết kiệm tiền của nhà nước, của nhân dân và của chính mình. Việc này liên quan tới tiết kiệm sức người, tiết kiệm thời giờ. Đối tượng cần phải tiết kiệm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra ở đây là tất cả mọi người đều phải tiết kiệm, song trước hết là các cơ quan, bộ đội, các xí nghiệp. Nội dung tiết kiệm phải cụ thể, thiết thực ngay trong vị trí công tác của mình. Bộ đội, chiến sĩ thì tiết kiệm đạn, quân nhu, chiến lợi phẩm; cán bộ cơ quan hành chính thì tiết kiệm thời gian, giấy, mực; cán bộ tư pháp tiết kiệm thời giờ cho dân khi triển khai nhanh công việc,...
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nếp sống hết sức giản dị, tiết kiệm. Sự giản dị, tiết kiệm ấy mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho muôn thế hệ noi theo. Đã có rất nhiều câu chuyện kể về tấm gương tiết kiệm của Bác, trong đó câu chuyện về đôi dép cao su và máy lạnh trong phòng Bác là những ví dụ điển hình về đạo đức sống giản dị, thanh tao, tiết kiệm của Người. Sau khi tiếp quản Thủ đô (tháng 10/1945), Trung ương bố trí Bác ở và làm việc trong ngôi nhà cao tầng, đồ sộ, vốn là nơi làm việc của viên Toàn quyền Đông Dương. Bác không đồng ý và sau đó đã chọn một căn phòng nhỏ trước đây là nơi ở của người thợ điện trong Phủ Toàn quyền, còn ngôi nhà đồ sộ ấy Bác chỉ đạo dọn dẹp để làm nơi vui chơi cho các cháu thiếu nhi và tiếp khách. Trong thời gian Bác sống ở Hà Nội, thấy đôi dép cao su của Bác đã cũ, anh em phục vụ đề nghị cho thay dép mới, nhưng Bác chưa đồng ý, vì dép ấy vẫn còn dùng được. Có người mạnh dạn thưa với Bác là đôi dép mới chỉ có hai đồng rưỡi, không nhiều nhặn gì. Bác đã giải thích: vấn đề không phải là hai đồng rưỡi mà là phải xem đã cần thay dép mới chưa? Đôi dép của Bác còn dùng được thì chưa nên thay! Khi đi thăm các địa phương, Bác bảo anh em phục vụ chuẩn bị cơm mang theo, hễ lúc nào thuận tiện thì dừng lại ăn cơm. Theo Bác, xuống thăm các địa phương, đơn vị là để nắm tình hình thực tế và góp ý, nhắc nhở về các công việc, chứ không phải xuống dự tiệc tùng, gây tốn kém. Theo một cán bộ Cục Cảnh vệ được bảo vệ Bác Hồ trong những năm 1954-1962 thì có được ở gần Bác mới chứng kiến một điều đặc biệt: dù trời đông giá rét hay ngày hè nóng nực, không bao giờ thấy Bác kêu nóng hay rét quá. Có một dịp các đồng chí bên Bộ Ngoại giao công tác ở nước ngoài gửi biếu Bác chiếc máy điều hòa nhiệt độ. Lúc đó Bác đi công tác vắng. Các anh quyết định cho lắp vào phòng của Bác, định khi Bác về sẽ xin phép sau. Hôm Bác về, vừa bước vào phòng, Bác đã phát hiện ra mùi lạ từ cái máy điều hòa tỏa ra. Biết không giấu được Bác, các đồng chí phục vụ xin lỗi Bác, rồi trình bày rõ lý do về chiếc máy điều hòa nhiệt độ. Bác không tỏ thái độ gì, nhưng đến đầu giờ làm việc chiều hôm ấy, Bác cho gọi đồng chí Vũ Kỳ đến và ân cần bảo: “Chiếc máy điều hòa nhiệt độ tốt đấy, các chú có thể đem đến cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là được rồi”. Đồng chí Vũ Kỳ và các đồng chí phục vụ đã hết lời đề nghị nhưng Bác không thay đổi ý kiến. Vậy là ngay buổi chiều hôm ấy chiếc máy điều hòa được đưa ra khỏi căn phòng của Bác.
Từ tư tưởng và các câu chuyện về tấm gương tiết kiệm và thực hành tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đòi hỏi mỗi chúng ta liên hệ đến cuộc sống của mỗi người hiện nay để học tập, làm theo gương Bác, mỗi cán bộ, công chức, viên chức tự kiểm điểm bản thân để soi rọi vào mình, xem lại mình, nhất là vào thời điểm khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang đẩy mạnh thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học tập Bác là phải làm theo Bác, học thực chất, làm thực chất, học và làm theo bằng chính trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước nhân dân, bằng liêm sỉ và đạo đức công vụ, chứ không học và làm một cách vô thức. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên đang sống và làm việc theo pháp luật, được người dân giám sát hãy sống và làm việc cho tốt sao cho không phụ lòng nhân dân, đi ngược lại với mong muốn của Bác Hồ - đấy chính là những việc làm thiết thực và hiệu quả nhất trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt điều đó chính là chúng ta đã làm cho tấm gương của Bác mãi ngời sáng trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
(Nguồn: Bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai số tháng 9/2024)